Đái tháo đường (tiểu đường) là một bệnh mạn tính và hiện nay chưa có phương thuốc điều trị khỏi được căn bệnh này. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể duy trì được một cuộc sống khỏe mạnh và kiểm soát được bệnh cũng như các biến chứng của bệnh bằng cách sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và duy trì một chế độ sinh hoạt lành mạnh.
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Một số người mắc đái tháo đường (tiểu đường) tuýp 2 có thể đạt được mức đường máu ổn định chỉ bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục, nhưng phần lớn cần dùng thuốc điều trị đái tháo đường (tiểu đường) hoặc liệu pháp insulin. Quyết định về loại thuốc nào là tốt nhất phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ đường trong máu của bạn và bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác mà bạn có. Bác sĩ của bạn có thể kết hợp các loại thuốc thuộc nhiều nhóm khác nhau để giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu. Thuốc, nếu được bác sĩ kê đơn, là một thành phần quan trọng trong quản lý bệnh đái tháo đường (bệnh tiểu đường) và cần được thực hiện theo chỉ dẫn. Một số loại thuốc cần dùng trước bữa ăn, một số loại dùng trong bữa ăn hoặc sau bữa ăn, do vậy hãy hỏi bác sĩ của bạn về thời gian dùng thuốc thích hợp nếu bạn chưa nắm rõ.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn cho người đái tháo đường (tiểu đường) không có gì phức tạp và bạn cũng không nên từ bỏ tất cả các loại thực phẩm yêu thích của mình. Hãy thay đổi chế độ ăn bằng cách lên kế hoạch về loại thực phẩm, liều lượng và thời điểm ăn phù hợp: – Ăn một chế độ dinh dưỡng cân bằng với nhiều loại thực phẩm, bao gồm trái cây, rau quả, thực phẩm nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, và thịt nạc, thịt gia cầm, cá… – Ăn đúng lượng thực phẩm carbohydrate để kiểm soát lượng đường trong máu tốt. Chuyên gia dinh dưỡng sẽ tư vấn và giúp bạn cách xác định lượng thức ăn carbohydrate mà cơ thể bạn cần vào mỗi bữa ăn. – Hạn chế các chất béo bão hòa. – Hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa nhiều đường. – Nên ăn 20 – 35 gram chất xơ mỗi ngày. Trái cây, rau, đậu và thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt là nguồn chất xơ tốt. – Uống nhiều nước. – Sử dụng ít muối.
Các vấn đề khác cần lưu ý để duy trì lượng đường huyết ở mức an toàn
1. Hạn chế rượu bia
Hãy hạn chế uống rượu bia tối đa. Nếu bạn uống rượu, bạn không nên uống quá hai ly tiêu chuẩn mỗi ngày (tương đương 60 ml rượu mạnh 40 độ; 200 ml rượu vang 13,5 độ; 2 lon bia hơi 660 ml).
2. Duy trì cân nặng phù hợp
Nếu bạn thừa cân, chỉ cần giảm cân một chút, đặc biệt là giảm vòng bụng, cũng giúp giảm huyết áp, đường máu và cholesterol. Bạn có thể nản chí khi cố gắng giảm cân, vì vậy hãy bắt đầu bằng việc đặt cho mình một mục tiêu ngắn hạn có thể đạt được.
3. Tập thể dục đều đặn
Hãy tích cực tập thể dục nhất có thể. Bạn nên duy trì ít nhất 30 phút hoạt động thể chất cường độ vừa mỗi ngày. Nếu muốn giảm cân, bạn cần duy trì hoạt động thể chất tối thiểu 60 phút mỗi ngày. Nếu bạn không thể thực hiện các hoạt động thể chất như đi bộ, bơi lội hoặc tập gym, thì hãy xem xét các bài tập trên ghế hoặc rèn luyện sức bền với tạ trọng lượng nhẹ. Bạn nên hỏi tư vấn bác sĩ của mình về cường độ-thời gian luyện tập và môn thể thao phù hợp với mình
4. Kiểm tra huyết áp và lipid máu:
Bạn nên duy trì huyết áp dưới 130/80 mmHg và kiểm tra rối loạn lipid máu định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần
5. Kiểm tra đường máu thường xuyên:
Bạn nên kiểm tra đường máu đói, đường máu sau ăn và HbA1c định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Đo đường huyết thường xuyên cung cấp cho bạn thông tin về cách dùng thuốc, thực phẩm, tập thể dục, bệnh tật và căng thẳng ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường của bạn như thế nào.
6. Chú ý đến đôi chân của bạn
• Rửa chân hàng ngày bằng nước ấm. Tránh ngâm chân, vì điều này có thể dẫn đến da khô. • Lau khô chân nhẹ nhàng, đặc biệt là giữa các ngón chân. • Giữ ẩm cho bàn chân và mắt cá chân của bạn bằng kem dưỡng da. • Kiểm tra bàn chân hàng ngày xem có vết chai, mụn nước, vết loét, đỏ hoặc sưng. • Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn bị đau hoặc vấn đề về chân khác mà không bắt đầu lành trong vài ngày. Nếu bạn bị loét chân – vết loét hở – hãy đi khám bác sĩ ngay. • Không đi chân trần trong nhà hoặc ngoài trời.